Trần Anh Tuấn – Còn Bạn Là Ai?

Vài Kiểu Người Trong Xã Hội

Có  lẽ nhiều người nghĩ tôi “Múa rìu qua mắt thợ”. Bởi chỉ với tầm vóc của một cử nhân, tuổi đang còn trẻ mà dám liều lĩnh nhăm nhe nhảy xổ vào cái mâm cỗ giữa làng của các bậc cao niên,tri thức cùng trải nghiệm lẫy lừng.

Bởi vậy, “Múa rìu” ở đây chỉ là tập thể dục chứ chẳng dám làm một chú gà trống choai ọ ẹ (tưởng là) cất tiếng gáy báo bình minh.

Đó là câu chuyện tôi đang lẫm chẫm bước vào vòng xoáy của một vài những triết lí được sinh ra khi… chẳng có việc gì làm: Triết lý về những kiểu người trong xã hội.

Anh hùng hay đê tiện, Quân tử hay tiểu nhân, Kỳ tài hay vô dụng,…  đó là một số kiểu phân loại người đứng trên các góc nhìn khác nhau: Góc của bậc trượng phu hay góc của người quản lý. Với tôi, việc nhận xét và đánh giá lại thông qua mục đích sống.

Thế thì về cơ bản sẽ có ba loại sau đây: Sống vì danh vọng, sống vì tiền bạc và sống về lý tưởng. Mức độ tôn trọng của cá nhân kẻ này cũng theo thứ tự như thế.

Loại người sống vì danh, họ cố gắng hiện thực hóa mong muốn, thậm chỉ là ảo tưởng của họ về một cuộc sống mũ áo xênh xang, vị trí cao ngất trời trong xã hội. Chống lưng cho đặc điểm tâm lý này chính là sự khuyến khích ích kỷ từ văn hóa tiểu nông “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Thường thì sự hận đời, hay bi phẫn, hay căm thù thời cuộc sẽ là cái đích không mong muốn mà họ buộc phải chấp nhận trong hành trình kiếm tìm sự tôn trọng của chung quanh (hay rộng hơn là của lịch sử) ấy.

Hăm hở biết bao nhiêu, thời trai trẻ, Nguyễn Công Trứ đã tuyên bố:

“…Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông…”  

Và dù công trạng không ít, song vì một chữ “danh” còn chưa thỏa nên cuối đời, vẫn cái tráng trí mãnh liệt ấy nhưng cụ phải bi phẫn mà than ra rằng:

“… Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”

Thời đại ngày nay, có ông Thủ tướng mà tầm ảnh hưởng bao trùm lên nhiều tập đoàn nhà nước, trong đó có Vinashin. Ông tự hào vì chưa từng kỷ luật ai. Cũng ông đã gợi ý một bước đột phá mà hàng ngàn năm đời sống tâm linh của người Việt chưa từng nghĩ ra: Đúc tim tượng cho Thánh Gióng và ngựa của vị thần.,..

Trang mạng Boxitvn đã đăng hơn một chục cái nhất về ông thiết tưởng là rất đủ để viết một cuốn kỷ yếu lưu truyền hậu thế. Và dù chưa ai biết được sau này đương kim tể tướng đây sẽ như thế nào, nhưng chỉ nhìn vào cái cách chưa kỷ luật một ai(không lẽ “ai” cũng trong sạch, năng lực tuyệt vời cả?) lại nghĩ tới phát biểu của Ông Trương Tấn Sang, UV BCT, Thường Trực Ban bí thư gần đây: “…Một con sâu đã nguy hiểm, huống gì một bầy…”

… Ai đã và đang húp “bát canh” này đây? đánh giá về nó thế nào? Không lẽ lại không phải là người dân Việt Nam?

Kẻ này trước đây cũng là nạn nhân của cơn mộng  mị danh vọng, giờ nghĩ lại mới thấy hãi hùng sự cuồng vọng của trẻ thơ:

“… Muốn vũ trụ kia phải chuyển động quanh ta,
Mọi tinh tú lu mờ trong sắc chói,
Làm kẻ ác để muôn đời không hết tội,
Hay làm Anh hùng mãi mãi lưu danh!
Ta muốn dỡ mảnh trời kia làm cỏ lót chân mình…”

Một loại người thứ 2 là loại sống vì tiền, nói đầy đủ hơn, là sùng bái các giá trị vật chất. Loại này không có cái cuồng vọng ghi lại tên tuổi như những kẻ háo danh, ít những ước vọng cao đẹp như những con người sống vì lý tưởng. Họ, (có vẻ như) sự tầm thường luôn tỉ lệ nghịch với ti tiện, thủ đoạn. Hay nói cách khác: Đạo đức càng thấp thì càng cháy bỏng ham muốn “Phì Gia”  bằng mọi giá.

Nguyễn Bình Khiêm ví von chúng như những con “chuột”, dù cho phạm vi ông nói tới được giới hạn ở lũ “Chuột quan” song đủ thấy sự tham lam tới mức tàn khốc của hạng này:

“….Chuột lớn kia bất nhân
Gặm khoét thật thâm độc..” – Ghét Chuột

Thời nay “Chuột quan”  nhiều mà “chuột dân” cũng nhan nhản. “Chuột lớn” ăn tiền bằng quyền lực, “Chuột nhỏ” ăn tiền bằng bạo lực, thủ đoạn… Những vụ bòn rút quỹ công, những án mạng đâm cha chém chú, gianh đất, giành mồ, lừa đảo, cướp giật,… hầu hết đều vì những thứ cùng tên với cái phạm trù mà Chủ nghĩa Mac-xít coi là tính thứ nhất: Vật chất!. Nó không đơn giản như “Đói ăn vụng, túng làm liều” như các cụ xưa tổng kết. Mà nó phát triển lên một tầm mới cao hơn, phi nhân tính hơn “Tiền là tiên là phật”.

Chỉ đơn cử trong một lĩnh vực truyền thông thôi, một trong nhiều biểu hiện của thứ sẵn sàng đạp lên trên tình cảm xã hội, coi miếng cơm manh áo của cá nhân là trên hết. Đó là những người ngay từ khi bắt đầu đặt ngòi bút viết, họ đã không quan tâm tới ý tưởng của chính họ. Mà chỉ cốt sao viết để hoàn thành nhiệm vụ, để tăng lương.

Xin không sa đà vào việc giải thích hoặc đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Trong thời đại này, một động tác khởi động Computer  cũng nhìn thấy cả thế giới. Những ai tiếp cận với Internet, biết đọc đôi chút đều có thể rút ra những nhận xét hao hao giống nhau về những khác biệt căn bản giữa “Báo chí lề trái”, “Báo chí lề phải” và … “Báo chí đại lộ”. .. Những cây bút thuộc loại người thứ 2 mà tôi liệt ra đó nằm ở đâu?

Trả lời rằng: Ở đâu cũng có, và người đọc cũng chẳng khó khăn gì khi phát hiện chúng.

Khi báo chí được coi là “Quyền lực thứ 4”, tự do ngôn luận đóng vai trò động lực cho phát triển xã hội… Chỉ mong có ít thôi những kẻ mà giá trị chỉ đong bằng tiền, bằng sự sợ hãi, … đứng chen chân trong hàng ngũ của cái nghề cao quý ấy.

Cuối cùng, mẫu người tôi cho là rất cần thiết nhất, đó là những người sống vì lý tưởng. Dẫu cho cách nhìn cũng như các giá trị mà họ hướng tới có thể khác nhau, nhưng đích đến cuối cùng bao giờ cũng là mong muốn mang lại lợi ích, sự phát triển cho xã hội. Họ xem nhẹ, thậm chí không thèm để ý mà lượng giá những đóng góp của chính họ cho cộng đồng, cho dân tộc, cho thế giới…

Đó là những người như Nguyễn Trãi với:

“… Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo…”

Khi đất nước thanh bình, lý tưởng hoàn thành, ông vui vẻ rũ áo từ quan đi tới nơi yên tĩnh, tiêu dao cùng trời đất.

“… Côn Sơn suối chảy thì thầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm…”

Đó là những người như Hồ Chí Minh: “..Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”

Và nếu ước nguyện cho cả dân tộc hoàn thành thì cá nhân chỉ mong một điều hết sức nhỏ nhoi:

“… Riêng phần tôi sẽ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi..”

Một người gần đây mà tôi không thể không nhớ đến, đó là TS Cù Huy Hà Vũ. Với những gì biết được qua khá nhiều luồng thông tin, nhưng đặc biệt ấn tượng là phong độ cao vời khi tay đeo còng bước ra khỏi tòa án, trước đó là những mong muốn về Tự do, Dân chủ thông qua các bài viết của ông. Để rồi bất chấp những rủi ro phía trước, vẫn vững tin ở “Tổ quốc”, ở “Nhân dân” sẽ đánh giá mình. Ông sống với lý tưởng, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng ấy. Tôi coi Tiến sĩ Vũ là một trong những đỉnh cao của đẳng cấp người thứ 3 này.

Có thể có ai đó mắng tôi vì cách phân các hạng người một cách quá máy móc, khu biệt. Họ sẽ chỉ ra mối liên hệ biện chứng giữa Vì Lý tưởng, vì Quyền lực và vì Tiền bạc, chúng ảnh hưởng cũng như quy định lẫn nhau như thế nào?. Vâng, họ đúng, nếu họ đặt vào đây một cách nhìn khác.

Viết tới đây, chợt nghĩ ra mình còn thiếu sót khi không liệt kê thêm một hạng người nữa. Có lẽ đây mới là hạng bất hạnh nhất, vì đó là sự pha trộn thiếu chủ định giữa suy nghĩ và hành vi. Tỉ như “Anh làm việc này vì lợi ích cá nhân anh, nhưng anh lại luôn khẳng định với mình rằng anh đang thực hiện đóng góp cho xã hội”..v..v…

Hài kịch hay bi kịch cũng từ đó mà ra.

Ấy! Lại còn nữa chứ… cứ lăn tăn mãi, chẳng biết  nên xếp hai “ông trùm” Hitler và Bin Laden ở chỗ nào. Một người muốn khẳng định sức mạnh dân tộc Đức, một người đòi hỏi sự tôn trọng hơn của thế giới đối với Hồi giáo. Tuy tội ác là điều khó bàn cãi song họ cũng đã cháy hết mình cho lý tưởng dân tộc và tôn giáo của mình…

Thật rắc rối quá! Chuyện này chắc phải bàn thêm ở lần sau.

Trần Anh Tuấn.

Theo Congionong

____________________________

Tiếp tục tham gia ký tên yêu cầu trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ
BAUXITEVN – THƯ KIẾN NGHỊ TRẢ TỰ DO CHO CÔNG DÂN CÙ HUY HÀ VŨ
Đồng hành với Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ là mệnh lệnh của thời đại
Bấm vào đây để trở về trang chủ

Bài này đã được đăng trong Bài vở liên quan và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

11 Responses to Trần Anh Tuấn – Còn Bạn Là Ai?

  1. le hong phong nói:

    chờ đợi đó là những gì mình phải làm sao?

  2. Hao Con nói:

    Ai cũng sống vì “mình” cả:
    1. Sống vì bản thân mình
    2. Sống vì gia đình mình
    3. Sống vì anh em bà con mình
    …………………………………………
    n. Sống vì dân tộc mình
    n+1. Giống loài mình
    ……………….
    Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ là người (n. Sống vì dân tộc mình). Tôi thần tượng anh Vũ vì tôi là người (1. 2. 3. …).

  3. cảm tử nói:

    anh CHHV là anh hùng lớn của dân tộc VN,em chỉ thấy những hành động của anh em kính trọng anh vô cùng, chúc anh sức khỏe

  4. Thái nói:

    K/g Bạn Anh Tuấn !
    Bạn viết và nghĩ là mọi người sẽ nghĩ về bạn thế này ưh. “Tuổi đang còn trẻ mà dám liều lĩnh nhăm nhe nhảy xổ vào cái mâm cỗ giữa làng của các bậc cao niên, tri thức cùng trải nghiệm lẫy lừng”.
    Ko ai nghĩ như vậy cả và còn thán phục bạn nữa, vì bạn đã dám sống cho lý tưởng của mình dù bạn cũng biết sẽ phải vượt qua rất nhiều chông gai.
    đó là sự dấn thân, đó là bạn đã “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”.

    Anh Tuấn nhận thấy và đã viết.
    “Một người gần đây mà tôi không thể không nhớ đến, đó là TS Cù Huy Hà Vũ. Với những gì biết được qua khá nhiều luồng thông tin, nhưng đặc biệt ấn tượng là phong độ cao vời khi tay đeo còng bước ra khỏi tòa án, trước đó là những mong muốn về Tự do, Dân chủ thông qua các bài viết của ông. Để rồi bất chấp những rủi ro phía trước, vẫn vững tin ở “Tổ quốc”, ở “Nhân dân” sẽ đánh giá mình. Ông sống với lý tưởng, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng ấy. Tôi coi Tiến sĩ Vũ là một trong những đỉnh cao của đẳng cấp người thứ 3 này”.
    Các bạn trẻ!
    Anh Tuấn là một người “dám sống với lý tưởng, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng ấy” đây là tấm gương cho các bạn trẻ trông vào.
    Ngoài CHHV, NBC thì Trần Anh Tuấn đáng được so sánh và trân trọng khi anh đã “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”.

    • HL nói:

      Chà! Bạn Thái Thân mến!
      Bạn dám so sánh Anh Tuấn ngang bằng voi CHHV uh, mà theo logic thì thế này nhé, NBC so sánh ông Vũ với một số nhân vật huyền thoại như “Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ”, vì “ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”.
      Thế thì Anh Tuấn cũng như “Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ”. khà khà, tôi chỉ lo Thằng “qủy Thanh” lại viết bài nói bạn “Ngô nhận” với “tùy tiện” thì chít đó.

      Ah, hôm nào rảnh ae minh đi làm vài ve sủi bọt nhé!

      • chương nói:

        Hi Các bác!
        Hai bác rủ nhau làm vài ve sủi bọt mà quên em hử, hic hic

        ” Tiến sĩ Vũ là một trong những đỉnh cao của đẳng cấp người thứ 3 này”.
        Các bác ơi, thế bác Vũ là đẳng cấp thứ 3 thì ae mình là thứ mấy, sao mà phức tạp thế.
        Xã hội VN mình theo như bác HL thì có “Nhân dân” “đầy tớ nhân dân” và “mọi” bây giờ lại có thứ 3 thứ 4.
        Hic! em cứ rối tung lên, chẳng biết đâu mà lần, ko biết mình thuộc hạng nào nữa.
        Thôi cụng ly cái đã rồi …bàn tiếp.
        Khà khà, “3 ae trên 1 chịếc xe tăng … chung lòng như một”

  5. Phản động nói:

    Bạn không “Múa rìu qua mắt thợ” đâu .Bạn nhân xét đúng đấy !

  6. CỐI CHÀY nói:

    Tất cả đều vì bản thân mình cả. Bởi vì, ham muốn, khát vọng và hành động để thực hiện ham muốn là của anh cơ mà, chứ có phải của thiên hạ đâu. Có những người còn muốn chết vì cái gì đó – Nhưng ý nguyện muốn chết đó là của anh, do anh quyết định.

    Thiên hạ sẽ cảm ơn anh, nếu hành động của anh đem lại sự tốt đẹp cho mọi người; Hành động ngược lại, thiên hạ sẽ nguyền rủa, loại bỏ anh.

    Vì vậy, hãy yêu quý mọi người, tôn trọng ý nguyện, quyết định và hành động cá nhân, nếu như hành động của họ không tàn phá cuộc sống những người khác – sự tàn phá mà nhân loại đã có thể nhận biết.

  7. Trực Phan nói:

    Cám ơn tác giả Trần Anh Tuấn. Một cái nhìn thật thẳng và rõ nét thể hiện quan điểm sống của tác giả. Mong sao qua những bài này, chút lương tâm còn sót lại trong mỗi ai từng tự hào mình là con người sẽ được thức tỉnh và nhận ra đâu là giá trị sống thật sự, không giả dối, không lọc lừa. Vẫn biết mỗi người trong chúng ta ai cũng có một mục đích sống khác nhau nhưng xin hãy nhớ rằng những gì thuộc về lẽ phải và chân lý mới là giá trị tối cao còn tồn tại được. Đừng vì chút sĩ diện hay miếng cơm manh áo mà bẻ cong đi sự thật, chân lý. Và cũng đừng nghĩ rằng một hệ thống, một tập đoàn với quyền lực rất lớn trong tay là có thể làm được mọi thứ, đi ngược lại lợi ích thật sự của dân tộc, của đất nước. Nhân dân đã tha thứ quá nhiều, rồi cũng đến lúc nhân dân sẽ nói lên tiếng nói của họ, và tôi nghĩ rằng ngày đó cũng không còn xa…

  8. Pingback: Trần Anh Tuấn – Còn Bạn Là Ai? | phamdinhtan

Bình luận về bài viết này