Thích Nhất Huy – Đọc lời bào chữa của Howard Roark, suy nghĩ về hành động của Cù Huy Hà Vũ

“Tôi muốn tới đây để tuyên bố những nguyên tắc của tôi. Tôi không tồn tại theo bất cứ  nguyên tắc nào khác.

“Tôi không thừa nhận bất cứ nghĩa vụ nào đối với loài người ngoại trừ một nghĩa vụ: tôn trọng sự tự do của họ và không tham gia vào một xã hội nô dịch. Đối với Tổ Quốc của tôi, nếu nó không còn tồn tại ( như nó phải tồn tại), thì tôi sẽ xin được vào tù 10 năm. Tôi sẽ sống mười năm đó để tưởng nhớ và biết ơn vì những gì Tổ Quốc này đã từng có trong quá khứ. Đó sẽ là hành vi thể hiện lòng trung thành của tôi, thể hiện rằng tôi từ chối sống và làm việc cho cái xã hội đã thế chỗ vào Tổ Quốc cũ của tôi.

“Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm ra cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ  đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xa bóng tối ra khỏi trái đất này.

Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất.

 “Những người đó những người không chịu phục tùng và luôn đi đầu đứng ở chương mở đầu của tất cả những truyền thuyết mà loài người ghi lại về thuở sơ khai. Promete đã bị xích vào một tảng đá và bị những con kềnh kềnh xé xác bởi vì anh đã ăn cắp ngọn ngọn lửa của những vị chúa trời. Adam bị buộc phải chịu đau khổ bởi vì anh ta đã ăn quả cấm trên cây Thiện Ác. Dù truyền thuyết gì đi chăng nữa, ở sâu trong trí nhớ, loài người biết rằng vinh quang của chúng ta đã bắt đầu từ một cá nhân và các cá nhân đó đã phải trả giá cho lòng dũng cảm của mình.


Ảnh lấy từ BBC. Xăm mình ở Mexico

 “Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới, họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại, những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những khoa học, những nhà sáng chế đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên, bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.

 “Một người sáng tạo không bao giờ bị thôi thúc bởi khát vọng phục vụ đồng loại của anh ta, bởi vì chính đồng loại của anh ta luôn chối bỏ món anh ta đem tặng họ, đồng thời món quà đó phá huỷ cuộc sống bình thường của anh. Anh sáng tạo vì động cơ duy nhất: Chân lý. Chân lý của riêng anh, và lao động của riêng anh để đạt tới chân lý theo cách riêng của anh. Mục đích và cuộc đời anh nằm ở một bản giao hưởng, một quyển sách, một cổ máy, một trường phái triết học, một cái máy bay hay một toà nhà. Nó không nằm ở máy nghe nhạc, người đọc sách, người vận hành máy, người đi theo trường phái triết học, người đi máy bay hay người sống trong ngôi nhà mà anh ta tạo ra ấy. Sự sáng tạo chứ không phải những lợi ích mà người khác được hưởng từ sự sáng tạo ấy. Sáng tạo là cách anh ta thể hiện chân lý của mình. Anh ta đặt chân lý này bên trên mọi thứ, bất chấp tất cả loài người.

 “Tầm nhìn, sức mạnh, và lòng dũng cảm của anh ta đến từ linh hồn của chính anh ta. Tuy nhiên linh hồn của một người lại chính là cái tôi của anh ta. Cái tôi là thực thể làm công việc nhận thức. Cái tôi có chức năng tư duy, cảm giác, đánh giá và hành động.

          “Những người sáng tạo luôn là những người có cái tôi. Cái tôi chính là toàn bộ bí mật về sức mạnh của họ, cái tôi ấy tự đầy đủ trong bản thân nó, tự vận động trong bản thân nó, và tự tái tạo trong bản thân nó. Cái tôi là nguyên nhân đầu tiên, là nguồn năng lượng, là động lực sống, là cội rễ của tất cả. Người sáng tạo không phục vụ cái gì và không phục vụ bất cứ ai khác. Anh ta sống vì chính bản thân mình.

 “Và chỉ có bằng cách sống vì bản thân, anh ta mới có thể đạt được những thành tựu vinh quang của loài người. Đó chính là bản chất của sự  thành công.

 “Loài người chỉ có thể tồn tại nhờ trí tuệ của mình. Loài người đến trái đất mà không được trang bị vũ khí nào. Bộ óc là thứ vũ khí duy nhất của họ. Động vật kiếm thức ăn bằng sức mạnh cơ bắp. Loài người không có răng vuốt, không có răng nanh, không có sừng, họ cũng không có sức mạnh cơ bắp vượt trội. Loài người phải tự trồng trọt hoặc săn bắn để có thức ăn. Để trồng trọt họ phải có một quá trình tư  duy. Từ nhu cầu đơn giản nhất này cho những đến khái niệm tôn giáo trừu tượng nhất, từ cái bánh xe cho đến toà nhà chọc trời, tất cả những gì con người có đều đến từ thuộc tính đơn nhất của loài người đó là chức năng tư duy của bộ óc.

 “Nhưng bộ óc lại thuộc về cá nhân. Không có cái gọi là bộ óc tập thể. Không có cái gọi là ý nghĩ tập thể. Một thỏa thuận do một nhóm người đạt được thực ra chỉ là một thỏa hiệp hoặc là giá trị trung bình rút ra từ những ý nghĩ cá nhân. Đó chỉ là một hệ quả có tính phái sinh. Hành động chủ yếu tức là quá trình tư duy phải do mỗi cá nhân thực hiện độc lập. Chúng ta có thể chia một bữa ăn cho nhiều người. Nhưng chúng ta không thể tiêu hoá nó trong một cái dạ dày tập thể. Không có ai có thể sử dụng phổi của mình để thở cho người khác. Không ai có thể sử dụng bộ não của mình để nghĩ hộ kẻ khác. Tất cả mọi chức năng của thể xác và linh hồn đều có tính cá nhân. Chúng không thể bị chia sẻ hoặc chuyển giao cho người khác.

 “Chúng ta thừa kế những sản phẩm tư duy của người khác. Chúng ta kế thừa cái bánh xe. Chúng ta tạo ra một chiếc xe ngựa. Xe ngựa thô sơ trở thành xe ô tô. Ô tô trở thành máy bay. Nhưng trong suốt quá trình đó, những cái gì chúng ta nhận được từ những người khác chỉ là sản phẩm cuối cùng trong quá trình tư duy của họ. Cái động cơ thúc đẩy quá trình này chính là khả năng sáng tạo, nhờ nó mà chúng ta lấy những sản phẩm cuối cùng kia làm nguyên liệu để sử dụng và sáng tạo ra sản phẩm mới. Khả năng sáng tạo này không thể đem cho hoặc nhận, không thể chia sẻ hoặc vay mượn. Nó thuộc về các cá thể người đơn lẻ. Khả năng sáng tạo là tài sản của người sáng tạo. Loài người có thể học lẫn nhau. Nhưng học chỉ là sự trao đổi nguyên liệu. Không ai có thể cho ai khả năng tư duy. Và khả năng tư duy ấy lại là phương tiện duy nhất giúp chúng ta tồn tại.

 “Loài người không được cho sẵn bất cứ cái gì trên mặt đất này. Tất cả những gì anh ta cần anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây loài người đối mặt với lựa chọn cơ bản nhất của mình: anh ta chỉ có thể tồn tại được một trong hai cách: bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn chọn cách thứ nhất. Kẻ ăn bám chọn cách thứ hai. Người sáng tạo một mình đối mặt với tự nhiên. Kẻ ăn bám đối mặt với tự nhiên thông qua những trung gian.

 “Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự  nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.

 “Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác.

Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh ta. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta.

“Nhu cầu cơ bản của người sáng tạo là sự độc lập. Một bộ óc biết tư duy không thể hoạt động dưới sự cưỡng bức theo bất cứ hình thức nào. Nó không thể bị đóng yên cương, không thể hy sinh hay khuất phục trước bất cứ điều gì. Nó đòi hỏi sự độc lập tuyệt đối trong cả chức năng và động cơ. Đối với một người sáng tạo, tất cả những mối quan hệ với con người đều là thứ yếu.

          “Nhu cầu cơ bản của một kẻ thứ sinh là củng cố quan hệ của anh ta với mọi người để được họ nuôi sống. Anh ta đặt quan hệ lên trên hết. Anh ta tuyên bố rằng loài người tồn tại là để phục vụ người khác. Anh ta rao giảng về chủ nghĩa vị nhân sinh.

“Vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải sống vì người khác và đặt những người khác lên trên bản thân mình.

 “Không ai có thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn anh ta, cũng giống như anh ta không thể chia sẻ thể xác của anh ta. Nhưng những kẻ sống thứ sinh đã sử dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một vũ khí để lợi dụng và đảo ngược lại những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người. Loài người đã được dạy dỗ tất cả những giới luật để phá huỷ người sáng tạo. Loài người đã được dạy dỗ rằng phụ thuộc lẫn nhau chính là một đức hạnh.

 “Một người cố gắng sống vì nguời khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám trong động cơ của mình, và anh ta cũng biến những người mà anh ta phục vụ thành những kẻ ăn bám. Mối quan hệ này chẳng tạo ra cái gì ngoài sự suy đồi cho cả hai bên. Cái gần nhất với quan hệ này trong thực tế chính là chế độ nô lệ. Nếu nô lệ về mặt thể xác là đáng ghê tởm, thì nô lệ về tinh thần còn ghê tởm đến mức nào? Kẻ bị buộc làm nô lệ vẫn còn chút danh dự. Vì anh ta còn dám chống lại chế độ nô lệ và coi nó là xấu xa. Còn những người tự biến thân mình thành nô lệ nhân danh tình yêu thương họ là những vi sinh vật thấp hèn nhất. Họ đã hạ thấp phẩm giá con người và hạ thấp khái niệm tình yêu thương. Thế mà đây chính là cốt lõi của chủ nghĩa vị nhân sinh.


Ảnh lấy từ BBC. Xăm mình tập thể ở Mexico
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/01/120110_mexico_tattoo_arts.shtml

“Loài người đã dạy đỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trước khi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh, những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra, chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món qùa đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ  thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nổ lực để thành công.

“Loài người đã được dạy đỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt đau khổ. Nhưng đau khổ là một căn bệnh. Chỉ khi có những người bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau khổ. Còn nếu biến việc giảm đau khổ thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được những người khác đau khổ để người ta có thể trở thành người đức hạnh. Đó chính là bản chất của chủ nghĩa vị nhân sinh. Trong khi đó người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm hồn. Thành quả của họ giúp giảm nhẹ đau khổ hơn bất cứ một người theo chủ nghĩa vị nhân sinh nào có thể làm.

 “Loài người đã được dạy dỗ rằng đồng tình với người khác là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn bất đồng. Loài người đã được dạy dỗ rằng bơi theo dòng nước là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo luôn bơi ngược dòng. Loài người đã được dạy dỗ rằng đứng tụ tập bên nhau là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn đứng một mình

 “Loài người đã được dạy đỗ rằng cái tôi luôn đồng nghĩa với sự xấu xa, và việc không có cái tôi là đức hạnh lý tưởng. Nhưng người sáng tạo là người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối, còn người không có cái tôi là kẻ không tư duy, không cảm nhận, không đánh giá và không hành động. Bởi vì tư duy, cảm nhận, đánh giá và hành động là những chức năng của cái tôi.

Đây là chỗ mà sự đánh tráo khái niệm này có tác dụng khủng khiếp nhất. Sự đánh tráo này đưa con người đến chỗ không có lựa chọn và không có tự do.

Thay vì hai thái tốt và xấu, chúng ta còn hai khái niệm: vị kỷ hay vị nhân sinh. Sự vị kỷ bị coi là hy sinh những người khác cho bản thân mình. Còn vị nhân sinh trở thành hy sinh thân mình vì những người khác cho bản thân mình. Điều này đã vĩnh viễn trói một người vào những người khác và khiến cho anh ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự đau khổ: sự đau khổ mà anh ta phải mang vác để thoả  mãn người khác là sự đau khổ mà anh ta gây ra cho người khác để thoả mãn bản thân anh ta. Đến khi người ta thêm vào một điều khoản rằng con người phải tìm kiếm niềm vui trong việc hy sinh bản thân thì cái bẫy đã hoàn toàn sụp xuống. Con người bị ép phải coi khổ dâm là lý tưởng vì nếu không họ chỉ còn một lựa chọn là bạo dâm. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất mà loài người đã thực hiện.

‘Đây chính là công cụ mà theo đó sự  phụ thuộc và đau khổ được duy trì như nền tảng của cuộc sống. Sự lựa chọn mà chúng ta phải có không phải là sự hy sinh bản thân và hy sinh người khác. Sự lựa chọn phải là giữa sống độc lập và sống lệ thuộc. Giữa nguyên tắc sống của người sáng tạo với nguyên tắc sống của những kẻ thứ sinh. Đây chính là vấn đề cơ bản. Nó là lựa chọn giữa sống và chết.  Nguyên tắc sống của người sáng tạo được xây dựng trên những nhu cầu của một bộ óc biết tư duy và do đó giúp con người tồn tại được. Nguyên tắc sống của những kẻ thứ sinh được xây dựng trên nhu cầu của một bộ óc không có khả năng tồn tại. Tất cả những gì bắt nguồn từ cái tôi độc lập của con người đều lành mạnh. Tất cả những gì bắt nguồn từ sự lệ thuộc của con người và người khác đều xấu xa.

“Người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối không bao giờ bắt người khác hy sinh cho mình. Anh ta sống vượt ra ngoài nhu cầu sử dụng những người khác, dù dưới bất của hình thức nào. Anh ta không hoạt động thông qua họ. Trong những lĩnh vực cốt lõi nhất tức là trong mục đích, động cơ, khát vọng, năng lực anh ta không quan tâm tới người khác. Anh ta không sống vì bất cứ ai và anh ta không yêu cầu ai phải sống vì anh ta. Đây là hình thức duy nhất để tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người có thể tồn tại.

Năng lực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên: mức độ độc lập, chủ động, và tình yêu công việc của một người là yếu tố quyết định tài năng của anh ta với tư cách một con người. Sự độc lập là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá phẩm chất và giá trị của loài người. Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì, chứ không phải anh ta đã làm được và không làm được gì cho người khác. Không có gì có thể thay thế được phẩm giá cá nhân. Và không có tiêu chuẩn nào khác cho phẩm giá cá nhân ngoài tính độc lập.

          “Tất cả những quan hệ hợp lý đều không có chuyện người này phải hy sinh về người khác. Một kiến trúc sư cần có khách hàng, nhưng anh ta không đặt lao động của anh ta xuống dưới nhu cầu của khách hàng. Khách hàng cần kiến trúc sư, nhưng họ cũng không ký hợp đồng xây nhà chỉ vì họ muốn cho anh ta tiền công xây dựng. Loài người trao đổi sản phẩm lao động với nhau thông qua sự đồng thuận tự nguyện vì lợi ích của cả hai bên, khi lợi ích cá nhân của cả hai bên cùng được thảo thuận và họ cùng mong muốn có trao đổi đó. Nếu họ không muốn có trao đổi đó, họ không bắt buộc phải làm việc với nhau. Họ có thể tìm kiếm người khác. Đây là mối quan hệ bình đẳng duy nhất có thể có ở loài người. Bất cứ những dạng quan hệ nào khác đều chỉ là mối quan hệ giữa chủ và tớ, hoặc giữa nạn nhân và đao phủ.

          “Chưa từng có công trình nào được hoàn thành nhờ tập thể, nhờ quyết định của đa số. Tất cả những thành tựu trong công việc sáng tạo đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một suy nghĩ cá nhân đơn nhất. Một kiến trúc sư cần rất nhiều người để xây nên một toà nhà. Nhưng anh ta không yêu cầu họ biểu quyết về bản thiết kế của mình. Họ làm việc cùng nhau thông qua thoả thuận tự do và mỗi người trong họ đều tự do hoạt động trong bổn phận hợp lý của mình. Một kiến trúc sư sử dụng thép, kính, bêtông, do người khác sản xuất ra. Nhưng nguyên liệu vẫn chỉ là thép, kính và bêtông cho đến khi người kiến trúc sư chạm vào chúng. Những gì anh ta làm với chúng là sản phẩm và tài sản của riêng anh. Đây là hình thức hợp pháp, hợp lý duy nhất giữa người với người.

          “Quyền đầu tiên của con người trên trái đất này là quyền có cái tôi. Bổn phận đầu tiên của một con người là bổn phận với chính mình. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh ta. Bổn phận đạo đức của anh ta là phải làm những gì anh ta khao khát, miễn là khao khát đó không do người khác quyết định. Bổn phận đạo đức này phải chi phối sự sáng tạo, tư duy và lao động cảu anh ta. Nhưng kẻ ăn cướp, những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh, hay những kẻ độc tài dĩ nhiên không sống theo bổn phận này.

          “Một con người luôn nghĩ và làm việc một mình. Một con người không thể ăn cắp, lợi dụng hay cai trị một mình. Ăn cắp, lợi dụng hay cai trị luôn đòi hỏi phải có nạn nhân. Chúng bao hàm sự lệ thuộc. Chúng là lãnh địa của những kẻ sống thứ sinh.

          “Những người cai trị người khác không phải là những người vị kỷ. Họ chẳng tạo ra cái gì cả. Họ tồn tại hoàn toàn thông qua những người khác. Mục đích của họ nằm trong đối tượng mà họ cai trị, trong hành vi nô dịch hoá người khác. Họ cũng lệ thuộc cũng chẳng kém gì những người ăn xin, những người làm công tác xã hội và lũ trẻ cướp. Ở đây, hình thức lệ thuộc không quan trọng.

          “Nhưng loài người đã được dạy dỗ để coi những người sống thứ sinh những tên bạo chúa, những ông hoàng, những kẻ độc tài như những ví dụ tiêu biểu của lòng vị kỷ. Qua sự đánh tráo khái niệm này. Loài người bị lừa vào chỗ huỷ diệt cái tôi của bản thân họ và của những người khác. Mục đích của sự lừa đảo này là để huỷ hoại những người sáng tạo. Hoặc để kìm kẹp họ. Hai điều này thực ra là một.

“ Từ lúc bắt đầu của lịch sử loài người, hai đối thủ đã luôn đứng đối mặt nhau: người sáng tạo và người sống thứ sinh. Khi người sáng tạo đầu tiên tạo ra cái bánh xe, kẻ sống thứ sinh lập tức đáp lại. Anh ta tạo ra chủ nghĩa vị nhân sinh. Người sáng tạo mặc dù bị chối bỏ, thù nghịch, ngược đãi và bóc lột vẫn đi tiếp về phía trước và kéo cả loài người đi theo bằng sức của mình. Những kẻ sống thứ sinh không đóng góp gì vào quá trình này ngoài việc gây ra những trở ngại. Trận đấu bây giờ được khoác một cái tên mới: cá nhân chống lại tập thể.

 “ Lợi ích chung’ của tập thể đã được chọn làm quyền và lý do để bào chữa cho tất cả chế độ chuyên chế bạo ngược đã từng có trong  lịch sử loài người. Cái tập thể đó có thể là một sắc tố, một giai cấp, hay một quốc gia. Tất cả những ác mộng trong lịch sử đều được thực hiện với động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh. Đã từng có hành vi ích kỷ nào có sức phá hoại ngang với những thảm hoạ chết chóc do những người đi theo chủ nghĩa vị nhân sinh gây ra? Lỗi nằm ở chỗ loài người không có đạo đức hay ở chỗ nguyên tắc đạo đức của loài người đã sai từ trong bản chất? Những tên đao phủ khủng khiếp nhất lại thường là những người nhiệt tình nhất. Họ nhiệt tình tin rằng có thể đạt được một xã hội hoàn hảo nhờ máy chém và đội hành quyết. Không ai nghi ngờ quyền giết người của họ bởi vì họ giết người với động cơ vị nhân sinh. Người ta chấp nhận việc ai đó phải hi sinh vì những người khác. Diễn viên có thể thay đổi, nhưng nội dung vở  bi kịch thì vẫn giữ nguyên. Một người đấu tranh cho nhân quyền luôn khởi đầu bằng những tuyên bố về tình yêu nhân loại và luôn kết thúc bằng một biển máu. Điều đó đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra chừng nào loài người vẫn còn tin rằng một hành vi được coi là đức hạnh nếu nó không xuất phát từ cái tôi. Niềm tin này cho phép những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh hành động và ép buộc nạn nhân của họ phải chấp nhận điều đó. Những người lãnh đạo của những phong trào tập thể luôn tuyên bố không cần gì cho bản thân họ. Nhưng hãy quan sát những gì họ đã gây ra.

“Điều đức hạnh duy nhất mà con người có thể làm cho nhau và cái thoả thuận duy nhất cho mối quan hệ hợp lý giữa người với người là: Buông nhau ra!
“Bây giờ hãy quan sát những thành quả của một xã hội xây dựng trên nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân. Đó, đất nước của chúng ta. Đất nước hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người. Đất nước của những thành tựu, của sự thịnh vượng và của nền tự do vĩ đại nhất trong lịch sử. Đất nước này không dựa trên sự phục vụ quên mình, sự hi sinh, hay bất cứ lời giáo huấn nào khác về chủ nghĩa vị nhân sinh. Nó được xây dựng trên quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người. Hạnh phúc của mỗi cá thể chứ không phải của ai khác. Một động cơ riêng tư, cá nhân và vị kỷ. Hãy nhìn vào những kết quả chúng ta có được. Hãy nhìn vào lương tâm của chính mình.
“Đây là một xung đột rất cổ xưa. Loài người đã đến với rất gần sự  thật, nhưng mỗi lần họ tiến đến gần thì sự thật bị phá huỷ và các nền văn minh cứ nối tiếp nhau sụp đổ. Văn minh là một quá trình tiến đến một xã hội tôn trọng sự riêng tư. Người nguyên thuỷ tồn tại hoàn toàn trong cộng đồng chung, bị cai trị bởi luật lệ của bộ tộc anh ta. Văn minh hoá là một quá trình giải phóng mỗi người khỏi mọi người.
“Giờ đây, trong thời đại của chúng ta, chủ nghĩa tập thể nguyên tắc của những kẻ sống thứ sinh và những kẻ ăn bám, con quái vật thời cổ đại, đã sổng chuồng và trở nên điên cuồng bao giờ hết. Nó đã đẩy loài người đến một mức độ tăm tối về nhận thức chưa từng có trên trái đất. Nó đã đạt tới sức mạnh kinh khủng mà nó chưa bao giờ đạt được.Nó đã đầu độc bộ óc của tất cả mọi người. Và nó đang nhấn chìm đất nước của chúng ta xuống vực thẳm.
“Tôi là một kiến trúc sư. Tôi có thể đoán công trình kiểu gì sẽ mọc lên nếu tôi biết nguyên tắc đặt móng của công trình đó. Chúng ta đang tiến gần tới một thế giới mà tôi không cho phép mình được sống ở đó.
“Bây giờ các vị đã biết tại sao tôi phá huỷ Cortlandt
“Tôi đã thiết kế Cortlandt. Tôi đã đưa nó cho các vị. Và tôi đã phá huỷ nó.
“Tôi phá huỷ nó bởi vì tôi không muốn nó tồn tại. Nó là một con quái vật kép. Nó là con quái trong hình dạng thực và là con quái vật trong ý nghĩa biểu tượng. Tôi phải phá huỷ cả hai điều đó. Hình dáng thực của nó đã bị bóp méo bởi hai kẻ sống thứ sinh dám tự cho mình cái quyền được điều chỉnh những gì họ không làm ra và không có khả năng làm. Người ta cho phép họ làm việc đó bởi vì người ta nghiễm nhiên cho rằng mục đích nhân đạo của toà nhà có thể thay thế tất cả những quyền khác. Họ nghiễm nhiên cho rằng tôi không có quyền chống lại điều đó.
“Tôi đã đồng ý thiết kế Cortlandt với mục đích được nhìn thấy nó mọc lên giống hệt những gì tôi đã thiết kế và không một lý do nào khác. Đó là cái giá mà tôi đặt ra cho lao động của tôi. Tôi đã không được thù lao.
“Tôi không đổ lỗi cho Peter Keating. Chuyện đó nằm ngoài khả năng của anh ta. Anh ta đã ký hợp đồng với những người chủ của anh ta. Nhưng bản hợp đồng đã bị bỏ qua. Người ta đã hứa với anh ta rằng toà nhà sẽ được xây đúng như bản thiết kế. Nhưng lời hứa đó đã bị lãng quên. Ngày nay, người ta coi tình yêu của một người với tính toàn vẹn trong công việc và quyền bảo vệ nó là những thứ có giá trị mơ hồ và không cần thiết. Các vị đã nghe công tố viên nói điều đó. Tại sao toà nhà này bị biến dạng? Chẳng vì lý do gì cả. Những hành như thế không bao giờ có lý do nào cả. Lý do duy nhất của nó là sự phù phiếm của một vài kẻ thứ sinh muốn có quyền với tài sản của người khác, cả tài sản vật chất lẫn tài sản tinh thần. Ai đã cho phép họ làm điều đó? Không cụ thể một ai trong số những người có thẩm quyền. Không ai thèm để ý đến việc cho phép ngăn cấm hành đó. Không ai chịu trách nhiệm. Không ai đứng ra chịu lỗi. Đó chính là bản chất của tất cả các hoạt động tập thể.
“Tôi không được trả cái mà tôi đòi hỏi. Nhưng những ông chủ dự án Cortlandt lại có cái mà họ muốn. Họ muốn một bản thiết kế để xây một toà nhà càng rẻ càng tốt. Họ không tìm được ai có khả năng đáp ứng yêu cầu này. Tôi có khả năng đó và tôi đã làm việc cho họ. Họ đã lợi dụng công trình của tôi và bắt tôi phải đem hiến nó như một món quà. Nhưng tôi không phải là người theo chủ nghĩa vị nhân sinh.Tôi không tặng quà kiểu này.
“Người ta nói rằng tôi đã phá huỷ chỗ ở cho những người nghèo. Người ta quên rằng nếu không có tôi, thì không thể có khu nhà này cho người nghèo ở. Tôi không quan tâm tới việc giúp người nghèo. Nhưng những người quan tâm đến người nghèo cần có tôi để có thể giúp được người nghèo. Người ta tin rằng sự nghèo khổ của những cư dân tương lai trong toà nhà này cho họ quyền làm bất cứ điều gì đối với công trình của tôi. Rằng nhu cầu của họ cho phép họ có quyền quyết định cuộc đời của tôi. Rằng bổn phận của tôi là phải đóng góp bất cứ những gì người ta cần ở tôi. Đây chính là tín điều của kẻ thư sinh, tín điều này đang nuốt chửng cả cá thế giới này.
“Tôi tới đây để nói rằng tôi không công nhận quyền của bất cứ ai với bất cứ giây phút nào trong cuộc sống của tôi. Tôi không công nhận quyền của bất cứ ai với bất cứ phần sức lực nào của tôi. Bất kể đó là ai, họ đông tới đâu hay nhu cầu của họ lớn đến mức nào.
“Tôi muốn tới đây để nói rằng tôi không tồn tại vì người khác.
“Cần phải nói rõ điều này. Thế giới này đang bị diệt vong vì đã quá lạm dụng khái niệm hy sinh bản thân.
“Tôi muốn tới đây để nói rằng sự chính trực trong công việc sáng tạo của một người quan trọng hơn bất cứ nỗ lực từ thiện nào. Những người không hiểu được điều này chính là những kẻ đang huỷ diệt thế giới.
“Tôi muốn tới đây để tuyên bố những nguyên tắc của tôi. Tôi không tồn tại theo bất cứ  nguyên tắc nào khác.
“Tôi không thừa nhận bất cứ nghĩa vụ nào đối với loài người ngoại trừ một nghĩa vụ: tôn trọng sự tự do của họ và không tham gia vào một xã hội nô dịch. Đối với Tổ Quốc của tôi, nếu nó không còn tồn tại ( như nó phải tồn tại), thì tôi sẽ xin được vào tù 10 năm. Tôi sẽ sống mười năm đó để tưởng nhớ và biết ơn vì những gì tổ quốc này đã từng có trong quá khứ. Đó sẽ là hành vi thể hiện lòng trung thành của tôi, thể hiện rằng tôi từ chối sống và làm việc cho cái xã hội đã thế chỗ vào Tổ Quốc cũ của tôi.
“Đó cũng là hành vi thể hiện lòng trung thành của tôi với tất cả những người sáng tạo đã từng sống và phải chịu khổ đau bởi những thế lực chịu trách nhiệm về vụ Cortlandt mà tôi phá nổ. Cho tất cả những giờ đồng hồ mà họ bị buộc phải sống trong cô đơn, trong ruồng bỏ, trong tuyệt vọng và ngược đãi và cho cả những trận chiến mà họ đã chiến thắng. Cho tất cả những người sáng tạo có tên tuổi và cho cả những người sáng tạo đã sống, đấu tranh và chết một cách âm thầm trước khi họ đi tới đích. Cho tất cả những người sáng tạo đã bị phá huỷ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cho Henry Cameron. Cho Steven Mallory. Cho một người không muốn đựơc nêu tên đang ngồi trong căn phòng này và biết rằng tôi đang nói về ông ấy”

Roark đứng, hai chân anh dang rộng, cánh tay duỗi thẳng dọc theo người, đầu ngẩng cao như thể là anh đang đứng trước một toà nhà chưa xây xong. Sau đó, khi anh ngồi xuống bàn dành cho bị cáo, rất nhiều người trong phòng cảm thấy họ vẫn nhìn thấy anh đang đứng. Họ nhìn thấy bức tranh về một khoảnh khắc không bao giờ thay thế đựơc.
Bức tranh đó vẫn nằm trong đầu họ trong suốt những cuộc tranh cãi pháp lý diễn ra sau đó. Họ nghe quan toà nói với công tố viên rằng bị cáo đã thay  đổi lời bào chữa: anh ta đã thừa nhận hành vi phá huỷ của mình, nhưng đã không thừa nhận mình có tội; do đó nảy sinh vấn đề liệu bị cáo có bị mất trí tạm thời không.Bồi thẩm đoàn có quyền quyết định liệu bị cáo có nhận thức đựơc bản chất và tầm quan trọng của hành vi đó hay không; và nếu có thì liệu bị cáo có nhận thức rằng được hành vi đó là sai trái không. Công tố viên không phản đối. Bầu không khí trong phòng có một vẻ im ắng khác lạ. Công tố viên tin chắc rằng ông đã thắng. Ông phát biểu kết thúc. Không ai nhớ là ông đã nói gì. Quan toà hướng dẫn bồi thẩm đoàn đứng dậy và rời phòng xét xử.

Trang 1145 đến 1159. Trích Suối Nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand

Thích Nhất Huy.

Theo Thichnhathuy I & II &Hoiktsquangnam

Nghe ca khúc mới: Anh là vầng dương Độc lập – Tự do

https://chhv.wordpress.com/wp-content/uploads/2011/04/110404112430_cu_huy_ha_vu_466x350_cuhuyhavu_nocredit.jpg?w=640

Nghe bài hát “Cù Huy Hà Vũ – người trí thức kiên trung”

Nhạc và lời : Nguyễn Văn Chính(Nguyễn Chính)
Thể hiện : Nguyễn Văn Chính

Bài này đã được đăng trong Bài vở liên quan và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

3 Responses to Thích Nhất Huy – Đọc lời bào chữa của Howard Roark, suy nghĩ về hành động của Cù Huy Hà Vũ

  1. Pingback: MỘT VÒNG CÁC BLOG NGÀY 27-3-2012 « Chau Xuan Nguyen & all posts

  2. Pingback: MỘT VÒNG CÁC BLOG NGÀY 27-3-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này