Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama dưới cái nhìn của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

1(6) Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thuyết trình về Nhân quyền Việt Nam tại Viện quốc gia yểm trợ Dân chủ Mỹ (NED).

LỜI GIỚI THIỆU:

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đuợc các Tổ chức Nhân quyền gọi là” Nhà họat động luật pháp trực ngôn, người bảo vệ Nhân quyền…”
Ông có nhiều bài trả lời phỏng vấn và bình luận đặc biệt về sự kiện Tranh chấp Biển Đông có tầm nhìn sâu sắc!
Năm 2010 Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã công khai” kêu gọi Mỹ khẩn trương quay trở lại Đông nam Á để cùng Việt Nam và các nuớc khác trong khu vực lập liên minh quân sự nhằm ngăn chặn bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực của Trung quốc…”
Năm 2011, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã tuyên bố” Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc là mệnh lệnh của thời đại”. Có nhận định cho rằng:” Lời tiến đoán của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã hiệu nghiệm khi Tổng thống Obama đưa ra chính sách Tái cân bằng  ở Châu Á Thái Bình Dương”
Nhân chuyến công du Việt Nam của Tõng thống Obama trong những ngày qua. Trâm Oanh đã liên lạc với Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ để phỏng vấn ông. Kính mời quí vị và các bạn theo dõi

XIN CHÀO TIẾN SĨ LUẬT CÙ HUY HÀ VŨ. TIẾN SĨ ĐÁNH GIÁ THẾ NÀO VỀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TỔNG THỐNG MỸ OBAMA DỠ BỎ HOÀN TOÀN CẤM VẬN VŨ KHÍ ĐỐI VỚI VIỆT NAM? QUYẾT ĐỊNH NÀY TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TỚI CHÍNH SÁCH “TÁI CÂN BẰNG Ở CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG” CỦA MỸ?    

Cách đây 6 năm, vào năm 2010, tôi đã là người đầu tiên công khai kêu gọi Mỹ quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương để cùng các nước trong khu vực lập liên minh quân sự chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực của Trung quốc ở Đông Á nói chung, biển Đông nói riêng khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt). Đó là các bài“TS Cù Huy Hà Vũ: Tham vọngcủa TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng” và “TS Cù Huy Hà Vũ: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại”. Đến cuối năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra chính sách “Xoay trục sang châu Á” sau được đổi thành “Tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm ngăn chặn Trung Quốcbành trướng lãnh thổ bằng vũ lực trong khu vực.

Do đó về nguyên tắc, tôi hoan ngênh mọi sự xích lại gần nhau về quân sự giữa Việt Nam và Mỹ nhằm bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam nói chung, phần còn lại của quần đảo Trường Sa nói riêng trước xâm lượcTrung Quốc. Nghĩa là dỡ bỏ cấm vận vũ khí Mỹ đối với Việt Namđược áp đặt sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào 30/4/1975 theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam là cần thiết nhưng phải hướng tới một liên minh quân sự giữa hai nước. Thực vậy, chỉ có liên minh quân sự mới cho phép Mỹ tham chiến trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đảm bảo thành công cho “Tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên một liên minh quân sự như vậy là không thể có chừng nào Việt Nam vẫn còn là một quốc gia cộng sản bởi với chủ thuyết cộng sản thì Mỹ luôn là kẻ thù. Điều này có nghĩa dân chủ hóa Việt Nam, tức có một chính quyền được bầu lên thông qua bầu cử tự do và với sự tham gia của nhiều đảng phái, là điều kiện tiên quyết cho hình thành liên minh quân sự Việt – Mỹ.Nói cách khác, chỉ với Việt Nam dân chủ hóa Mỹ mới thành công “Tái cân bằng ở châu Á– Thái Bình Dương”!

Cũng cần khăng định ngay rằng cách duy nhất để dân chủ hóa Việt Nam, tức giải thể chế độ cộng sản một cách hòa bình hay bằng biện pháp phi bạo lực, là buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền song song với việc buộc chính quyền này thực hiện đầy đủ các quyền con người được quy định bởi chính Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên.

Đến đây có thể có thể có người nói rằng sự đối nghịch về ý thức hệ đã không cản Mỹ và Anh liên minh quân sự với Liên Xô để chống Phe Trục gồm phát xít Đức –Ý và quân phiệt Nhật trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Quả có thế nhưng hoàn cảnh của Mỹ cách đây 7 thập kỷ và hiện tại là khác nhau cơ bản. Trong thế chiến thứ II, Mỹ bị Phe Trục đe dọa tiêu diệt và chính điều này đã đặt cường quốc bờ Tây Đại Tây Dương trong tình thế “liên minh quân sự với Liên Xô hay là Chết”. Còn hiện nay thì sự tồn tại của Mỹ về mặt quốc gia và lãnh thổ không bị Trung Quốc đe dọanên Mỹ không buộc phải liên minh quân sự với Việt Nam cộng sản bằng mọi giá.

Tóm lại, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí phải được Mỹ coi như đòn bẩy đểbuộc chính quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền nhằm mở đường cho dân chủ hóa ở quốc gia cộng sản này. Nói cách khác, Mỹ không được dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí chừng nào chính quyền Việt Nam chưa được chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách cơ bản.

Thực tế cho thấyđàn áp nhân quyền ở Việt Nam không những không giảm mà lại còn tăng, bất chấp cam kết “tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa kỳ công bố sau hội kiến với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào tháng 7 năm ngoái.

Cụ thể là, chỉ trong tuần cuối của tháng 3 vừa qua, đã có 7 công dân Việt Nam trong đó có ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm nổi tiếng, chỉ vì họ thực hiện các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được Hiến pháp Việt Nam quy định tại Điều 25, bổ sung vào con số hơn 100 tù nhân lương tâmđang còn sau song sắt của chế độ.Việc chính quyền Việt Nam ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama thảduy nhất một tù nhân lương tâm là linh mục Nguyễn Văn Lý, và hơn thế nữa, chỉ hai tháng trước khi vị này mãn án 8 tù do “Tuyên tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự,rõ ràng làmột sự nhạo báng không hơn không kém trước đòi hỏi liên tục của Washington về trả tự đo vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm!

Rồi quyền công dân ứng cử vào cơ quan lập pháp được Hiến pháp Việt Nam quy định tại Điều 27 cũng bị chà đạp khi toàn bộ gần 150 người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội thực hiện quyền tự ứng cử vào Quốc Hộiđã bị chính quyền loại bỏ khỏi danh sách chính thức ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội khóa 14 một cách độc đoán bằng cái gọi là “hội nghị hiệp thương” được tổ chức bởi Mặt trận Tổ Quốc do Đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát cho dù họ không thuộc các trường hợp bị Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấm ứng cử.

Quyền biểu tình cũng chịu chung số phậnkhi các cuộc biểu tình đòi bạch hóa nguyên nhân làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vừa qua bị chính quyền dùng vũ lực giải tán. Hàng trăm người biểu tình đã bị đánh đập dã man và bị bắt giam và tất cả những người có tiếng đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội đã bị công an dùng vũ lực ngăn ra khỏi nhà họ để tham gia biểu tình.

Mặc dù Điều 20 Hiến pháp Việt Nam quy định “mọi người không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” và Việt Nam cũng đã ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn vào 2014,công an vẫn không chùn taytra tấn công dân cả về tinh thần lẫn thể xác. Chỉ tính trong 6 tháng cuối năm 2015 đã có cả chục người dân chết đứ đừ tại đồn công an trong khi họ hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị bắt. Tra tấn còn được chuyển ra ngoài đồn công an với hàng chục nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội như ông Nguyễn Chí Tuyến, blogger Phạm Đoan Trang, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Trần Thu Nam, luật sư Lê Văn Luân… bị công an cả sắc phục lẫn thường phục cùng du đãng do công an chỉ huy đánh đến thương tích nghiêm trọng!

Trong bối cảnh nhân quyền bị chính quyền Việt Nam đàn áp tàn bạo đến như vậy thì việc Tổng thống Obama quyết định dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp cấm vận vũ khí đối với Việt Nam chỉ khuyến khích chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền và như vậy gây phương hại cho dân chủ hóa chế độ vốn là điều kiện tiên quyết để Mỹ có được Việt Nam như một đồng minh quân sự nhằm bảo đảm thành công của chiến lược “Tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”.

Kết luận lại, quyết định củaTổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp cấm vận vũ khí đối với Việt Namlà “lợi bất cập hại” đối với “Tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương” vì với quyết định này Việt Nam như một đối tác quân sự đâu chưa thấy thì dân chủ hóa Việt Nam, nền tảng của liên minh quân sự thực thụ giữa hai nước, đã bị thiệt hạido chính quyền cộng sản được thể đàn áp nhân quyền khốc liệt hơn. Nhãn tiền là bản thân Tổng thống Obama chỉ mấy chục tiếng sau khi tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đã phải ngậm đắng nuốt cay khi 9/15 nhà hoạt động xã hội dân sựlà khách mời của ông, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, blogger Phạm Đoan Trang, luật sư Hà Huy Sơn, đã không đến hội kiến được do bị công an Việt Nam dùng vũ lực ngăn chặn.

Đó là chưa nói khi đưa ra yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí chính quyền Việt Nam không nhằm mua vũ khí của Mỹ cũng như xây dựng quan hệ đồng minh quân sự mà nhằm mục tiêu khác.

 “MỤC TIÊU KHÁC”CỦA CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM LÀ GÌ, THƯA TIẾN SĨ?

Theo tôi, yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí chỉ là đòn tâm lý chiến của chính quyền Việt Nam, cốt làm Trung Quốc tin rằng một khi Mỹ đáp ứng thì đó sẽ là bằng chứng Mỹ ủng hộ  Việt Nam về quân sự trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược trong tương lai. Tóm lại, chính quyền Việt Nam dùng Mỹ để hù dọa Trung Quốc hòng làm nước này chùn bước trong kế hoạch đánh chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm kéo dài sự tồn tại của chế độ cộng sản được lúc nào hay lúc ấy. Thực vậy, một khi Trung Quốc tiến đánh nốt Trường Sa thì người dân Việt Nam sẽ không còn con đường nào khác là phải vùng lên để xóa bỏ chính quyền cộng sản để cứu nước.

Có những sự việc sau đây chứng minh nhận định này của tôi.

Thứ nhất, chính quyền Việt Nam khăng khăng theo đuổi chính sách quốc phòng “Ba Không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).
Thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi Nga ngày 16/5, tức ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, cốt để bảo đảm với Nga rằng Việt Nam vẫn sẽ mua vũ khí của Nga chứ không mua vũ khí của Mỹ cũng như sẽ không liên minh quân sự với Mỹ trong bối cảnh có khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhằm tránh đẩy cựu thủ lĩnh cộng sản thế giới này ngả về phía Trung Quốc trong xung đột Trung – Việt ở biển Đông.

Cũng cần nói thêm rằng chính quyền Việt Nam là chính quyền tham nhũng bậc nhất thế giới, luôn tìm cách trục lợi trong các thương vụ với nước ngoài. Cụ thể là việc mua vũ khí của Nga chắc chắn sẽ được “lại quả” hay nhận được những khoản hoa hồng lớn bất bình thường khi tính đến Nga là một trong những quốc gia thiếu minh bạch nhất thế giới trong khi điều này là không thể có nếu mua vũ khí của Mỹ. Điều này giải thích vì sao hơn 90% vũ khí mà quân đội Việt Nam đang sử dụng đến từ Nga.

Thứ ba, Việt Nam đã không có đơn đặt hàng nào kể từ khi Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí vào tháng 10 năm ngoái.
Cũng cần nói thêm rằng ngay sau khi Tổng thống Obama rời Việt Nam thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thản nhiên tuyên bố rằng “Việt Nam không có nhu cầu quân sự ở Biển Đông”!Nghĩa là thừa nhận việc chính quyền Việt Nam yêu cầu Mỹ dỡbỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí không nhằm mua vũ khí Mỹ!

VẬY TẠI SAO TỔNG THỐNG OBAMA LẠI QUYẾT ĐỊNH DỠ BỎ HOÀN TOÀN CẤM VẬN VŨ KHÍ ĐỐI VỚI VIỆT NAM, THƯA TIẾN SĨ?

Theo tôi có bốn lý dochính để Tổng thống Obama đưa ra quyết định này.
Một là lý do cá nhân. Obama muốn trở thành Tổng thống Mỹ khép lại hoàn toàn “Chiến tranh lạnh” với chính quyền Hà Nội mà cấm vận vũ khí được coi là di sản cuối cùng.

Hai là lý do chính sách. Là cha đẻ của “Tái cân bằng ở Châu Á- Thái Bình Dương” nhằm ngăn chặn bành trướng bằng vũ lực của Trung Quốc nên Tổng thống Obama muốn hoàn tất nó bằng cách đưa Việt Nam vào vị trí “đồng minh tiềm tàng” của Mỹ mà việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí là một chỉ dấu đặc trưng.

Ba là lý do thương mại.Việt Nam mua 100 máy bay Boeing trị giá 11,3 tỷ đô la.

Bốn là lý do quân sự. Mỹ muốn được sử dụng Cam Ranh của Việt Nam, cảng quân sự quan trọng nhất ở Đông Nam Á, tức không thể thiếu được trong tác chiến thành công của Mỹ chống lại Trung Quốc ở biển Đông. Cần nhắc lại là năm 2012 bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến thăm cảng Cam Ranh và ký kết với phía Việt Nam thỏa thuận về cung ứng, hậu cần và dịch vụ sửa chữa ở đây.

2- CÓ NGUỜI CHO RẰNG VIỆC TỔNG THỐNG OBAMA DỠ BỎ HOÀN TOÀN CẤM VẬN VŨ KHÍ KHÔNG PHẢI LÀ MIỄN PHÍ CHO VIỆT NAM. XIN TIẾN SĨ CHIA SẺ CẢM NGHĨ.

Với hợp đồng bán máy bay Boeing và quyền tiếp cận cảng Cam Ranh như tôi vừa nói, rõ ràng việc Obama dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí không phải là món quà, là cho không chính quyền Việt Nam. Ngoài ra, chính quyền Mỹ đã khẳng định là việc mua bán vũ khí Mỹ sau đây không phải là tự động mà trên cơ sở có tiến bộ về nhân quyền của chính quyền Việt Nam.Cụ thể là nếu chính quyền Việt Nam không giảm đàn áp nhân quyền thì Quốc Hội Mỹ sẽ không chuẩn thuận bán vũ khí. Tuy nhiên, như trên tôi đã nói, chính quyền Việt Nam khi đưa ra yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí không nhằm mua vũ khí của Mỹ nên chính quyền Việt Nam khó mà bị Quốc Hội Mỹ ép cải thiện nhân quyền.

TIẾN SĨ NHẬN XÉT GÌ VỀ BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG THỐNG OBAMA TẠI HÀ NỘI GỬI NGƯỜI DÂN VIỆT NAM?

Trước hết, đây là một phát biểu rất hay, vừa kín kẽ về ngoại giao vừa chân tình, xứng đáng là của một lãnh đạo tầm thế giới.

Có những vấn đề sau đây nổi lên từ bài nói của Tổng thống Obama.

Thứ nhất, Mỹ khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam độc lập và chống Trung Quốc xâm lược khi dẫn thơ của tư lệnh người Việt đại phá quân Tống xâm lược ở thế kỷ 11. Thực vậy, Obama chỉ rõ gần như ở ngay đầu bài nói: “Trải qua nhiều thế kỷ, vận mệnh của các bạn lại thường xuyên bị định đoạt bởi những thế lực bên ngoài. Mảnh đất thân thương này không phải lúc nào cũng là của các bạn. Nhưng giống như cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam đã được đúc kết trong áng thơ của Lý Thường Kiệt – “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận ở sách trời”.
Lời phát biểu trên của Obama cũng cho thấy Mỹ không phải là “quân xâm lược” trong chiến tranh Việt Nam vì nếu khôngphải như vậy thì người đại diện nước Mỹ làm sao có thể nói “mảnh đất thân thương này không phải lúc nào cũng là của các bạn”. Ngoài ra, vẫn câu này của Obama ngụ ý nếu Việt Nam hiện tại không có chính sách quốc phòng đúng đắn dựa trên liên minh quân sự với các nước cũng có lợi ích côt lõi bị đe dọa bởi Trung Quốc thì rất có thể một lần nữa Việt Nam lại mất vào tay Trung Quốc.

Sự ủng hộ này được Obma cụ thể hóa bằng tuyên bố “dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam”.

Thứ hai,Việt Nam cần thực thi nhân quyền.

Việc Obama nhắc tới câu “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh trích từ Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ không đơn thuần gợi lại lịch sử quan hệ giữa hai nước mà chính là để khẳng định “nhân quyền là bất khả xâm phạm”. 
Nhân đây có chuyện buồn cười là báo Lao động của Nhà nước Việt Nam khi đăng bài nói của Tổng thống Obama đã biến báo câu“những quyền không ai có thể xâm phạm được” thành “các quyền khác nhau”. Nghĩa là chính quyền cộng sản Việt Nam sợphải thừa nhận tính bất khả xâm phạm của nhân quyền đến nỗi không ngần ngại xuyên tạc ngay chính Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nó!

Ngay cả khi đề cập đến TPP, Obama cũng nói rõ Hiệp định này bên cạnh giải quyết bất đình đẳng kinh tế mà còn “thúc đẩy nhân quyền”. Cụ thể làvới TPP “quyền lập công đoàn độc lập” lần đầu tiên sẽ được thực hiện ở Việt Nam.

Điều đáng lưu ý là Obamađãdựa chính vào Hiến pháp Việt Nam để quảng bá các quyền con người cơ bản. Ông nói: “Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt mô hình chính phủ của chúng tôi lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói đây, tôi tin rằng không phải các giá trị Mỹ, tôi nghĩ đó là giá trị phổ quát được minh định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Những quyền đó được minh định trong Hiến pháp Việt Nam, khẳng định rằng “người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, và có quyền tiếp cận thông tin, quyền tụ họp và quyền lập hội, và quyền biểu tình”.

Rồi Obama kết luận: “Suy cho cùng, việc khát khao có được những quyền này đã thôi thúc người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đánh đuổi chủ nghĩa thực dân. Tôi tin rằng việc thúc đẩy các quyền này là sự hiện thân đầy đủ nhất của độc lập mà nhiều quốc gia đề cao, bao gồm cả nơi này, ở một quốc gia đã tuyên bố “của dân, do dân và vì dân”.

Tóm lại, bài nói chuyện của Tổng thống Obama đưa ra thông điệp làđộc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và nhân quyền “tuy hai mà một”, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chỉ có thểđược giữ vững bởi chính người dân Việt Nam mà sức mạnh chỉ có thể đến từ việc hưởng thụ đầy đủ các quyền con người mà Hiến pháp Việt Nam quy định

THEO TIẾN SĨ, QUAN HỆ KINH TẾ – THƯƠNG MẠI VIỆT – MỸ SẼ RA SAO SAU CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG OBAMA?

Cần khẳng định rằng không có các chuyến thăm lẫn nhau của các nguyên thủ quốc gia Mỹ và Việt Nam thì quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước vẫn phát triển. Còn nếu các chuyến thăm như vậy diễn ra thì đó là những cú hích làm cho quan hệ kinh tế thương mại phát triển hơn.
Từ nhiều năm nay Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu Việt Nam cải thiện mạnh mẽ nhân quyền bao gồm cả cho phép thành lập công đoàn độc lập để rồi trên cơ sở đó Quốc Hội Mỹ thông qua TPP mà chính quyền Obama đã ký với Việt Nam, Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn nữa sang Mỹ. Theo ước tính, nhờ TPPViệt Nam sẽ tăng xuất khẩu hơn 30% đồng nghĩa là nướccó lợi nhất trong 12 thành viên ký TPP, sự tăng xuất khẩu này sẽ kéo sản lượng kinh tế tăng thêm 10% kể từ khi áp dụng cho tới năm 2030.Ngược lại, Việt Nam sẽ gặp khó khăn rất lớn để vào thị trường Mỹ khi tính đến sức cạnh tranh rất cao từ các nước được Quốc Hội Mỹ cho vào TPP.

Tất nhiên với TPP, Mỹ hy vọng Việt Nam sẽ nhập hàng của Mỹ nhiều hơn với lợi nhuận thu được từ xuất khẩu vào nước này. Thế nhưng là chính quyền tham nhũng nhất thế giới nên chính quyền Việt Nam nhắm mắt để hàng siêu rẻ do chất lượng kém của Trung Quốc nhưng kèm theo là những khoản hối lộ tràn vào Việt Nam miễn là được hối lộ. Do đóhầu như chắc chắn tiền thu được từ xuất khẩu vào Mỹ sẽ được đổ vào nhập khẩu hàng Trung Quốc.

Thành ra chừng nào Việt Nam chưa được dân chủ hóa, tức vẫn còn chính quyền tham nhũng nằm ngoài mọi kiểm soát thì Mỹ còn phải đối mặt với cảnh ngộ “cốc mò cò xơi” khi tiền Mỹ đổ ra để giúp Việt Nam phát triển thì lại nuôi béo Trung Quốc, thậm chí là “gậy ông đập lưng ông” khi Mỹ muốn dùng TPP đểkéo Việt Nam ra khỏi sự nô lệ về kinh tế đối với Trung Quốc nhưng kết quả là càng làm Việt Namnô lệ hơn nữa vào Trung Quốc.
Mặc dầu vậy, TPP với định chế công đoàn độc lập sẽ kích hoạt dân chủ hóa Việt Namvà ngược lại, dân chủ hóa Việt Nam sẽ giúp TPP đạt được mục tiêu cơ bản là giúp Việt Nam “thoát Trung” về kinh tế để có thể đương đầu thành công với mọi âm mưu thôn tính cả chính trị lẫn lãnh thổ Việt Nam của nước bành trướng phương Bắc này.

Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã dành cho Chân Lý Online cuộc phỏng vấn này

TS Luật Cù Huy Hà Vũ
Tác giả là một nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị Việt Nam, đã ba lần khởi kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về các quyết định trái Hiến pháp và pháp luật, hiện là học giả tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ.

Theo daohieu

Bài này đã được đăng trong Bài vở liên quan và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này